NGHỊ ĐỊNH Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008
CÔNG TY CỔ PHẦN XNK VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐỊA TRUNG HẢI

NGHỊ ĐỊNH Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008


CHÍNH PHỦ

_________

Số: 128/2008/NĐ-CP

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

_____________________________________________

Hà Nội, ngày  16  tháng 12 năm 2008


NGHỊ ĐỊNH

Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi,
bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008

_________

CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002;

Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 7 năm 2002, Pháp lệnh sửa đổi một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 08 tháng 3 năm 2007 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02 tháng 4 năm 2008 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh) về một số nguyên tắc chung trong xử lý vi phạm hành chính, hình thức xử phạt vi phạm hành chính, biện pháp xử lý vi phạm hành chính khác, thẩm quyền, thủ tục và việc áp dụng một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính.

Điều 2. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính

Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính tại Điều 2 của Pháp lệnh bao gồm thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính cụ thể, hình thức xử phạt chính, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với từng hành vi vi phạm hành chính; quy định khung và mức tiền phạt trong trường hợp phạt tiền; quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính. Việc xác định khung và mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi đó.

Điều 3. Một số nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính

Một số nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định.

Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính  được quy  định  cụ thể  trong các  văn bản  luật của  Quốc hội,  pháp lệnh  của  Ủy ban

thường vụ Quốc hội và nghị định của Chính phủ. Các văn bản do Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ban hành để chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền không được quy định hành vi vi phạm hành chính và hình thức, mức xử phạt.

2. Một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt hành chính một lần:

a) Một hành vi vi phạm đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt hoặc đã lập biên bản để xử phạt thì không được lập biên bản, ra quyết định xử phạt lần thứ hai đối với chính hành vi đó nữa. Trong trường hợp hành vi vi phạm vẫn tiếp tục được thực hiện mặc dù đã bị người có thẩm quyền xử phạt ra lệnh đình chỉ thì bị áp dụng tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 8 Điều 9 của Pháp lệnh;

b) Một hành vi vi phạm hành chính đã được người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt thì không đồng thời áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại Điều 22 của Pháp lệnh đối với hành vi đó;

c) Trong trường hợp hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm bị chuyển hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự mà trước đó đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người đã quyết định xử phạt phải huỷ bỏ quyết định xử phạt; nếu chưa ra quyết định xử phạt thì không xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó.

3. Nhiều người cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì mỗi người vi phạm đều bị xử phạt về hành vi đó và người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, nhân thân người vi phạm, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ mà ra quyết định xử phạt đối với từng người cùng thực hiện vi phạm hành chính.

4. Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 56 của Pháp lệnh.

Điều 4. Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính

Những trường hợp không xử lý vi phạm hành chính theo khoản 6 Điều 3 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

2. Phòng vệ chính đáng là hành vi của một người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

3. Người thực hiện hành vi do sự kiện bất ngờ, tức là trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó.

4. Người thực hiện vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Đối với trường hợp lợi dụng người mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi để thực hiện hành vi vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính phải bị tịch thu, mọi hậu quả do lợi dụng các đối tượng này để vi phạm đều phải được khắc phục theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hành chính của người chưa thành niên gây ra

Người chưa thành niên vi phạm hành chính mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường được thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Luật Hôn nhân và Gia đình ngày 09 tháng 6 năm 2000 và các khoản 2, 3 Điều 606 của Bộ luật Dân sự ngày 14 tháng 6 năm 2005.

Điều 6. Tình tiết tăng nặng

Những tình tiết tăng nặng tại các khoản 1 và 2 Điều 9 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Vi phạm có tổ chức là trường hợp có hai người trở lên câu kết với nhau, cố ý cùng thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

2. Vi phạm nhiều lần trong cùng lĩnh vực là trường hợp thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực mà trước đó đã vi phạm nhưng chưa bị phát hiện hoặc chưa bị xử phạt và chưa hết thời hiệu xử phạt.

3. Tái phạm trong cùng lĩnh vực là trường hợp đã bị xử phạt nhưng chưa hết thời hạn một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành của quyết định xử phạt mà lại thực hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực đã bị xử phạt.

"Lĩnh vực" quy định tại khoản này được hiểu là các lĩnh vực quản lý nhà nước được quy định tại từng nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 7. Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

Thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 11 của Pháp lệnh được quy định như sau:

Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu qua một năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt (tức là từ ngày thực hiện xong các nghĩa vụ, yêu cầu ghi trong quyết định xử phạt hoặc từ ngày quyết định xử phạt được cưỡng chế thi hành) hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt quy định tại Điều 69 của Pháp lệnh mà không thực hiện hành vi vi phạm trong cùng lĩnh vực trước đây đã bị xử phạt thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó.

Điều 8. Thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác

Thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính khác theo khoản 2 Điều 11 của Pháp lệnh được quy định như sau:

Cá nhân đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, nếu qua hai năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý (tức là từ ngày hết hạn giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc hết hạn chấp hành tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh) hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý quy định tại các Điều 73, 82, 91 và Điều 100 của Pháp

lệnh mà không thực hiện hành vi vi phạm thuộc đối tượng bị áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính khác quy định tại khoản này thì được coi như chưa bị áp dụng biện pháp đó.

Điều 9. Cách tính thời hạn, thời hiệu trong xử lý vi phạm hành chính

1. Thời hạn, thời hiệu trong Pháp lệnh được quy định theo tháng hoặc theo năm thì khoảng thời gian đó được tính theo tháng, năm dương lịch, bao gồm cả ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

2. Thời hạn trong Pháp lệnh được quy định theo ngày thì khoảng thời gian đó được tính theo ngày làm việc, không bao gồm ngày nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Điều 10. Trách nhiệm của người có thẩm quyền trong việc xử lý vi phạm hành chính

1. Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định tại Chương VI Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

2. Người có thẩm quyền xử phạt hành chính lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sách nhiễu, dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh vi phạm hành chính; thiếu trách nhiệm để quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc áp dụng  các biện pháp ngăn chặn  và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

ra quyết định xử lý vi phạm hàm chính trái pháp luật, có lỗi trong việc không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.

Chương II

HÌNH THỨC, THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 11. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề

Việc tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo Điều 16 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng quy định sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Giấy phép chứng, chỉ hành nghề là các loại giấy tờ do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền cấp cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật để cho phép tổ chức, cá nhân đó kinh doanh, hoạt động, hành nghề trong một lĩnh vực nhất định hoặc sử dụng một loại công cụ, phương tiện nhất định. Giấy phép, chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều này không bao gồm giấy đăng ký kinh doanh, các loại chứng chỉ gắn với nhân thân người được cấp không có mục đích cho phép hành nghề.

2. Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được áp dụng có thời hạn hoặc không thời hạn và được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính cụ thể, tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đó.

Thời hạn áp dụng đối với hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ

hành nghề có thời hạn tối đa không quá 12 tháng; đối với hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề không thời hạn thì thời hạn áp dụng từ 12 tháng trở lên.

Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề. Trường hợp một người cùng một lúc thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà các hành vi này bị tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chỉ áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn dài nhất quy định đối với các hành vi vi phạm; nếu không cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì áp dụng riêng đối với từng hành vi.

Thời hạn bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

Điều 12. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính

Việc tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính theo Điều 17 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính là hình thức xử phạt bổ sung, được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính. Thủ tục và các trường hợp cụ thể bị áp dụng tịch thu tang vật, phương tiện được quy định tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

2. Không áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện trong trường hợp tang vật, phương tiện bị tổ chức, cá nhân vi phạm chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà phải trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp tang vật là văn hoá phẩm độc hại, hàng giả không có giá trị sử dụng, vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng thì bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 61 của Pháp lệnh.

Điều 13. Biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, b, c, d khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh, Chính phủ có thể quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả khác và thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó tại các nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Điều 14. Chi phí thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 21a của Pháp lệnh trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả

1. Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thể thực hiện được biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm gây ra quy định tại Điều 21a của Pháp lệnh thì cơ quan quản lý có thẩm quyền chỉ được sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi có đủ các điều kiện sau:

a) Cần phải có nguồn kinh phí để khắc phục hậu quả mà cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không có khả năng chi trả ngay hoặc quy trình thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đòi hỏi phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật chuyên dụng, lực lượng tham gia khắc phục hậu quả phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để có thể khắc phục được hậu quả do vi phạm hành chính gây ra;

b) Cần phải tiến hành ngay biện pháp khắc phục hậu quả để kịp thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm giao thông, bảo vệ lợi ích Nhà nước, lợi ích chung của cộng đồng.

2. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải có trách nhiệm hoàn trả kinh phí cho cơ quan quản lý có thẩm quyền đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp cá nhân, tổ chức không tự hoàn trả thì sẽ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành.

Điều 15. Xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Nguyên tắc xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 42 của Pháp lệnh được quy định cụ thể như sau:

1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

2. Các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực có thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính được quy định cụ thể tại các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước.

3. Thẩm quyền xử phạt của các chức danh theo quy định của Pháp lệnh trong từng trường hợp cụ thể được xác định như sau:

a) Thẩm quyền phạt tiền được xác định căn cứ vào mức tối đa của khung tiền phạt quy định cho mỗi hành vi vi phạm hành chính;

b) Thẩm quyền áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác định căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước quy định cho chức danh có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với một hành vi vi phạm cụ thể. Trường hợp Pháp lệnh quy định thẩm quyền tịch thu theo trị giá của tang vật, phương tiện vi phạm thì phải căn cứ vào giá trị thực tế của tang vật, phương tiện vi phạm để xác định thẩm quyền;

c) Thẩm quyền áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được xác định căn cứ vào văn bản quy phạm pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Đối với hành vi vi phạm có quy định áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì chức danh nào có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đó cũng có quyền xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép  hoặc  chứng chỉ  hành nghề  đối với  người vi phạm;  trường hợp  luật có quy định

khác thì theo quy định của luật. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề về việc đã áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

d) Thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được xác định căn cứ vào Pháp lệnh quy định chức danh đó có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả; đồng thời căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể có quy định việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định trong các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước;

đ) Trong trường hợp mức tiền phạt, trị giá tang vật, phương tiện bị tịch thu hoặc một trong các hình thức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm phải kịp thời chuyển vụ việc vi phạm đó đến người có thẩm quyền xử phạt.

Điều 16. Ủy quyền xử lý vi phạm hành chính

Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính theo Điều 41 và khoản 2 Điều 45 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính do các chức danh quy định tại Điều 41 và Điều 45 của Pháp lệnh chỉ được thực hiện đối với cấp phó. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Việc ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn ủy quyền.

Trường hợp quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc ủy quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt.

2. Cấp phó được ủy quyền xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử lý vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được uỷ quyền không được ủy quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.

Chương III

MỐT SỐ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

VÀ BẢO ĐẢM XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 17. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính

Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo Điều 49 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chỉ do những người có thẩm quyền tiến hành theo đúng quy định tại Điều 49 của Pháp lệnh.

2. Nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là địa điểm mà tại đó, người vi phạm cất giấu hiện vật, tiền, hàng hoá, phương tiện vi phạm hành chính. Nếu người vi phạm cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong người thì áp dụng biện pháp khám người theo quy định tại Điều 47 của Pháp lệnh.

3. Trong trường hợp nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nơi ở thì người có thẩm quyền quy định tại Điều 45 của Pháp lệnh chỉ được tiến hành khám sau khi đã có sự đồng ý bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có tang vật, phương tiện được cất giấu.

Nơi ở quy định tại Điều này là địa điểm dùng để cư trú thường xuyên cho cá nhân hoặc hộ gia đình có hộ khẩu thường trú hoặc đăng ký tạm trú; có đăng ký phương tiện, nếu phương tiện là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, hộ gia đình.

4. Việc khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ban đêm chỉ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp khẩn cấp, là các trường hợp có căn cứ cho rằng nếu không tổ chức khám ngay thì tang vật, phương tiện vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy hoặc việc thu thập chứng cứ không thể thực hiện được;

b) Trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đang được thực hiện mà chưa kết thúc, là trường hợp mà việc khám được bắt đầu từ trước 22 giờ cùng ngày mà chưa kết thúc đến 5 giờ sáng ngày hôm sau.

5. Mọi trường hợp khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện đều phải lập biên bản theo đúng mẫu quy định.

Điều 18. Thủ tục bảo lãnh hành chính

Thủ tục bảo lãnh hành chính theo Điều 50 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Bảo lãnh hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định trong thời gian xem xét việc áp dụng một trong các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh. Bảo lãnh hành chính được giao cho gia đình hoặc tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú thực hiện. Trong trường hợp người được bảo lãnh là người chưa thành niên thì bảo lãnh hành chính được giao cho cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó thực hiện.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định về việc giao việc bảo lãnh hành chính cho gia đình, tổ chức xã hội nơi đối tượng cư trú; trong quyết định phải ghi rõ: ngày, tháng, năm quyết định; họ, tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được giao bảo lãnh hoặc tên, địa chỉ của tổ chức xã hội được giao bảo lãnh; họ, tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người được bảo lãnh; lý do của việc giao bảo lãnh; thời hạn bảo lãnh; trách nhiệm của người được bảo lãnh, trách nhiệm của người hoặc tổ chức nhận bảo lãnh và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đối tượng cư trú; chữ ký của người quyết định giao bảo lãnh. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày ra quyết định, quyết định giao bảo lãnh được gửi cho người hoặc tổ chức nhận bảo lãnh, người được bảo lãnh và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được bảo lãnh cư trú để tổ chức thực hiện.

3. Thời hạn bảo lãnh hành chính do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, tối đa không quá 35 ngày đối với trường hợp người được bảo lãnh thuộc đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở chữa bệnh và tối đa không quá 50 ngày đối với trường hợp người được bảo lãnh thuộc đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục. Việc bảo lãnh hành chính chấm dứt khi hết thời hạn ghi trong quyết định giao bảo lãnh. Trong trường hợp chưa hết thời hạn bảo lãnh mà đã có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì thời hạn bảo lãnh chấm dứt vào thời điểm đối tượng được đưa đi chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh.

Điều 19. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thời gian bảo lãnh hành chính

1. Trong thời gian bảo lãnh hành chính, gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh hành chính có trách nhiệm:

a) Giám sát, quản lý không để người được bảo lãnh tiếp tục vi phạm pháp luật;

b) Bảo đảm sự có mặt của người được bảo lãnh tại nơi cư trú khi có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh;

c) Báo cáo kịp thời với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giao bảo lãnh để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp người được bảo lãnh bỏ trốn hoặc có các hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian bảo lãnh.

2. Trong thời gian bảo lãnh hành chính, người được bảo lãnh hành chính có trách nhiệm:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về tạm trú, tạm vắng. Khi đi ra khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn phải thông báo cho gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh biết về địa chỉ nơi đến, thời gian tạm trú tại đó;

b) Có mặt kịp thời tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu.

3. Trong thời gian bảo lãnh hành chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đượcc bảo lãnh hành chính cư trú có trách nhiệm:

a) Thông báo cho gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh và người được bảo lãnh về quyền và nghĩa vụ của họ trong thời gian bảo lãnh;

b) Thực hiện các biện pháp hỗ trợ gia đình, tổ chức xã hội được giao bảo lãnh trong việc quản lý, giám sát người được bảo lãnh tại nơi cư trú;

c) Khi được thông báo về việc người được bảo lãnh bỏ trốn khỏi nơi cư trú hoặc có hành vi vi phạm pháp luật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải báo cáo ngay cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã ra quyết định bảo lãnh để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

Chương IV

THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Điều 20. Đình chỉ hành vi vi phạm

Đình chỉ hành vi vi phạm theo Điều 53 của Pháp lệnh được quy định như sau:

Khi phát hiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải ra quyết định đình chỉ ngay hành vi vi phạm. Quyết định đình chỉ có thể là quyết định bằng văn bản hoặc quyết định thể hiện bằng lời nói, còi, tín hiệu hoặc các hình thức khác tuỳ từng trường hợp vi phạm cụ thể.

Điều 21. Thủ tục xử phạt đơn giản

Việc áp dụng thủ tục xử phạt đơn giản theo Điều 54 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Xử phạt theo thủ tục đơn giản quy định tại Điều 54 của Pháp lệnh là trường hợp xử phạt, theo đó người có thẩm quyền xử phạt không lập biên bản về vi phạm hành chính mà ra quyết định xử phạt tại chỗ, trừ trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp Vụ. Những trường hợp được tiến hành xử phạt theo thủ tục đơn giản bao gồm:

a) Hành vi vi phạm hành chính mà hình thức xử phạt quy định là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng;

b) Nhiều hành vi vi phạm hành chính do một người thực hiện mà hình thức xử phạt đối với mỗi hành vi này đều là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 10.000 đồng đến 200.000 đồng.

2. Quyết định xử phạt phải thể hiện bằng văn bản theo mẫu quy định. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt do Bộ Tài chính phát hành. Trong trường hợp không nộp tiền phạt tại chỗ, cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước trong thời hạn được quy định tại khoản 1 Điều 58 của Pháp lệnh.

Điều 22. Lập biên bản vi phạm hành chính

Việc lập biên bản vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 55 và khoản 2 Điều 55a của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ có trách nhiệm lập biên bản theo đúng mẫu quy định đối với vi phạm hành chính mà mình phát hiện và chuyển ngay tới người có thẩm quyền xử phạt. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Pháp lệnh.

2. Đối với trường hợp sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng ngoài những nội dung quy định tại khoản

2 Điều 55 của Pháp lệnh thì biên bản vi phạm hành chính có thêm các nội dung sau: phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện hành vi vi phạm; hình ảnh, bản ghi, dấu vết ghi thu được bằng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các tình tiết và chứng cứ khác (nếu có). .

Việc lập biên bản vi phạm hành chính thuộc trường hợp người vi phạm hành chính cố tình trốn tránh được hiểu là trường hợp tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính người vi phạm không có mặt mà không có lý do chính đáng.

Điều 23. Thời hạn ra quyết định xử phạt

Thời hạn ra quyết định xử phạt theo Điều 56 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Đối với vụ việc đơn giản, hành vi vi phạm rõ ràng, không cần xác minh thêm thì phải ra quyết định xử phạt trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ ngày lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải theo đúng mẫu quy định.

2. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp như tang vật, phương tiện cần giám định, cần xác định rõ đối tượng vi phạm hành chính hoặc những tình tiết phức tạp khác thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 30 ngày, kể từ ngay lập biên bản.

3. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì chậm nhất là 10 ngày, trước khi hết thời hạn được quy định tại khoản 2 Điều này, người có thẩm quyền xử phạt phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản; thời gian gia hạn không quá 30 ngày.

4. Trừ quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, người có thẩm    quyền không được ra quyết định xử phạt trong các trường hợp sau đây:

a) Đã hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Đã hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 2 Điều này mà không xin gia hạn hoặc đã xin gia hạn nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn;

c) Đã hết thời hạn được cấp có thẩm quyền gia hạn.

5. Trong trường hợp không ra quyết định xử phạt thì người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3 Điều 12 của Pháp lệnh và tịch thu tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành, lưu thông.

Điều 24. Chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 64 của pháp lệnh được quy định như sau:

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho người bị xử phạt hoặc thông báo cho họ đến nhận; thời điểm người bị xử phạt nhận được quyết định xử phạt được coi là thời điểm được giao quyết định quy định tại Điều 64 của Pháp lệnh.

2. Cá nhấn, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này thì bị cưỡng chế thi hành.

3. Trường hợp đã qua một năm, mà người có thẩm quyền không thể giao quyết định xử phạt đến người bị xử phạt do người đó không đến nhận và không xác định được địa chỉ của họ hoặc lý do khách quan khác thì người đã ra quyết định xử phạt ra quyết định đình chỉ thi hành các hình thức xử phạt ghi trong quyết định đối với người đó, trừ hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đối với tang vật, phương tiện vi phạm đang bị tạm giữ thì áp dụng theo quy định tại khoản 4 Điều 61 của Pháp lệnh; nếu cần áp dụng biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh hoặc tiêu huỷ vật phẩm gây hại cho sức khoẻ con người, vật nuôi, cây trồng, thì người có thẩm quyền phải tổ chức thực hiện các biện pháp này. Ngân sách nhà nước chi trả cho việc thực hiện các biện pháp này hoặc được trừ vào tiền bán tang vật, phương tiện bị tịch thu (nếu có).

Điều 25. Quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

Quyết định buộc khắc phục hậu quả trong trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:

1. Trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 10 của Pháp lệnh hoặc quá thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại Điều 23 Nghị định này, người có thẩm quyền không được ra quyết định xử phạt, nhưng vẫn có thể quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Quyết định buộc khắc phục hậu quả phải bằng văn bản theo đúng mẫu quy định. Trong quyết định phải ghi rõ: ngày, tháng, năm quyết định; họ tên, chức vụ của người quyết định; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm hành chính; những tình tiết liên quan đến việc giải quyết vụ vi phạm; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng; lý do không áp dụng hình thức xử phạt; các biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng; thời hạn thi hành quyết định khắc phục hậu quả; chữ ký của người ra quyết định.

Điều 26. Xác định mức trung bình của khung tiền phạt

Việc xác định mức trung bình của khung tiền phạt theo khoản 2 Điều 57 của Pháp lệnh được quy định như sau:

Khi phạt liền, mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng với mức tối đa.

Điều 27. Trường hợp nộp tiền phạt nhiều lần

1. Việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 100.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;

b) Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế; đối với đơn đề nghị của tổ chức phải được xác nhận của cơ quan thuế (hoặc cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước).

2. Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá mười hai tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 03 lần và mỗi lần nộp tiền phạt tối thiểu không được một phần ba (1/3) tổng số tiền phải nộp phạt. Số tiền chưa nộp phạt phải chịu lãi suất không kỳ hạn được tính từ thời điểm quyết định xử phạt có hiệu lực.

3. Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.

Điều 28. Nơi nộp tiền phạt

Nơi nộp tiền phạt theo Điều 58 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước theo quy định tại Điều 57 của Pháp lệnh, trừ trường hợp đã nộp tiền phạt tại chỗ và những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tại những vùng xa xôi, hẻo lánh, trên sông, trên biển, những vùng mà việc đi lại gặp khó khăn hoặc ngoài giờ hành chính thì cá nhân, tổ chức bị xử phạt có thể nộp tiền phạt cho người có thẩm quyền xử phạt.

"Vùng xa xôi, hẻo lánh" là những vùng thuộc miền núi, hải đảo và những nơi khác không có hoặc cách quá xa Kho bạc Nhà nước.

3. Bộ Tài chính quy định cụ thể việc thu và nộp tiền phạt trong những trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 29. Trả lại giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền trong trường hợp được hoãn chấp hành quyết định, được nộp tiền phạt nhiều lần

Việc trả lại giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định phạt tiền trong trường hợp được hoãn chấp hành quyết định theo khoản 4 Điều 65 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Trong trường hợp cá nhân được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền theo quy định tại Điều 65 hoặc cá nhân, tổ chức được nộp tiền phạt nhiều lần theo quy định tại khoản 5 Điều 57 của Pháp lệnh thì người đó được nhận lại giấy phép lưu hành phương tiện, giấy phép lái xe, giấy tờ cần thiết khác có liên quan hoặc tang vật, phương tiện đã bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định Phạt tiền theo quy định tại khoản 3 Điều 57 của Pháp lệnh.

2. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm trả lại cho người được hoãn chấp hành quyết định phạt tiền hoặc người được nộp tiền phạt nhiều lần các giấy tờ hoặc tang vật, phương tiện bị tạm giữ quy định tại khoản 1 Điều này khi quyết định hoãn chấp hành quyết định phạt tiền, quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần có hiệu lực thi hành.

Điều 30. Chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành

Việc chuyển quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành theo Điều 68 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện vi phạm hành chính ở đơn vị hành chính thuộc tỉnh này nhưng cư trú, đóng trụ sở ở tỉnh khác và không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở đế tổ chức thi hành; nếu nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở không có cơ quan cùng cấp thì quyết định xử phạt được chuyển đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổ chức thi hành.

2. Trong trường hợp vi phạm xảy ra ở địa bàn cấp huyện thuộc phạm vi một tỉnh ở miền núi, hải đảo hoặc những vùng xa xôi, hẻo lánh khác mà việc đi lại gặp khó khăn và cá nhân, tổ chức vi phạm không có điều kiện chấp hành quyết định xử phạt tại nơi bị xử phạt thì quyết định được chuyển đến cơ quan cùng cấp nơi cá nhân cư trú, tổ chức đóng trụ sở để tổ chức thi hành.

Điều 31. Đóng dấu quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt được đóng dấu cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi đó.

2. Đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 41 của Pháp lệnh thì dấu được đóng lên 1/3 (một phần ba) chữ ký về phía bên trái chữ ký của người có thẩm quyền quyết định xử phạt.

3. Đối với quyết định xử phạt của những người có thẩm quyền xử phạt mà không có quyền đóng dấu trực tiếp thì quyết định xử phạt được đóng dấu cơ quan của người ra quyết định xử phạt vào góc trái tại phần trên cùng của quyết định, nơi ghi tên cơ quan xử phạt và số, ký hiệu của quyết định xử phạt.

Điều 32. Trả lại hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính

Trả lại hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính theo Điều 63 của Pháp lệnh được quy định như sau:

1. Trong trường hợp hồ sơ vụ vi phạm đã được chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1 Điều 62 của Pháp lệnh, nhưng xét thấy hành vi vi phạm không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm mà có dấu hiệu vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải ra quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra quyết định phải gửi trả hồ sơ vụ vi phạm đó cùng với quyết định cho người có thẩm quyền xử phạt.


2. Người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt đối với vụ việc vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn sau đây:

a) Nếu trước khi chuyển vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt đã xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 10 ngày , kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ vi phạm;

b) Nếu trước khi chuyển vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự mà người có thẩm quyền xử phạt chưa xin gia hạn thời hạn xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này, thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lại hồ sơ vụ việc vi phạm. Trong trường hợp xét thấy cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người đang thụ lý vụ việc vi phạm có thể xin gia hạn thời hạn ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định này.

Điều 33. Chuyển hồ sơ đối tượng thuộc vụ án hình sự không bị khởi tố bị can để xử lý vi phạm hành chính

Việc chuyển hồ sơ của người thuộc vụ án hình sự không bị khởi tố bị can để xử lý vi phạm hành chính theo Điều 63 của Pháp lệnh được quy định như sau:

Trong trường hợp người có hành vi vi phạm thuộc vụ án hình sự đã bị khởi tố nhưng không bị khỏi tố bị can mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm hành chính, thì người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng hình sự đang thụ lý vụ án đó phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Hồ sơ vụ vi phạm bao gồm: bản sao biên bản về vụ vi phạm, quyết định đình chỉ điều tra đối với đối tượng, tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm (nếu có) và bản sao các tài liệu khác liên quan trực tiếp đến người vi phạm đó.

Điều 34. Xác định trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt

1. Sau khi tiến hành tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành định giá làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính và phải chịu trách nhiệm về việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Tùy theo loại tang vật, phương tiện cụ thể, việc xác định giá dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp đồng hoặc hoá đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;

b) Giá thị trường đối với tang vật, phương tiện tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo thông báo giá của cơ quan Tài chính địa phương;

c) Giá thành của tang vật, phương tiện nếu là hàng hoá chưa xuất bán;

d) Đối với tang vật, phương tiện là hàng giả thì giá của tang vật, phương tiện đó là giá thị trường của hàng hoá thật hoặc hàng hoá có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính;

đ) Giá trị thực tế còn lại của tang vật, phương tiện.

3. Trường hợp không áp dụng được các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này để định giá tang vật, phương tiện thì cơ quan, người có thẩm quyền xử phạt thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá phải có sự tham gia của đại diện Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc đại điện cơ quan tài chính cấp huyện. Căn cứ tính chất, đặc điểm của từng vụ việc, người ra quyết định thành lập hội đồng quyết định các thành viên của Hội đồng bao gồm đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan tham gia Hội đồng.

Nếu trị giá tang vật, phương tiện vi phạm thuộc thẩm quyền tịch thu của người đã ra quyết định tạm giữ thì người đó quyết định tịch thu; trong trường hợp trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vượt quá thẩm quyền tịch thu của người đã quyết định tạm giữ tang vật thì phải chuyển vụ việc vi phạm đến người có thẩm quyền.


4. Căn cứ định giá và các tài liệu liên quan đến việc định giá hàng hoá, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính.

Điều 35. Xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính

1. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan ra quyết định phải gửi quyết định tịch thu và thông báo đến cơ quan tài chính cùng cấp. Riêng đối với tang vật vi phạm hành chính là hàng hoá, vật phẩm dễ bị hư hỏng thì người có thẩm quyền tịch thu phải xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 61 của Pháp lệnh và theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính và các ngành liên quan tổ chức xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đó như sau:

a) Đối với tang vật là tiền Việt Nam, ngoại tệ, chứng chỉ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý thì chuyển giao cho Kho bạc Nhà nước; những giấy tờ, tài liệu, chứng từ liên quan tới tài sản thì chuyển giao cho cơ quan tài chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Đối với các tang vật, phương tiện khác như; vũ khí; công cụ hỗ trợ; vật có giá trị lịch sử, văn hoá; bảo vật quốc gia; cổ vật; hàng lâm sản quý hiếm và các tài sản khác thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật;

c) Đối với các tang vật, phương tiện đã được cấp có thẩm quyền ra quyết định chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng thì cơ quan đã ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính tổ chức chuyển giao cho cơ quan nhà nước có chức năng quản lý, sử dụng.

Việc bàn giao và tiếp nhận các tang vật, phương tiện theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này phải được tiến hành theo quy định của pháp luật về bàn giao và tiếp nhận tài sản nhà nước;

d) Đối với các tang vật, phương tiện là hàng hoá, vật phẩm không được bán đấu giá thì xử lý theo đúng quy định về loại hàng hoá, vật phẩm đó;

đ) Đối với các tang vật, phương tiện bị tịch thu, bán sung quỹ nhà nước, thì phải chuyển giao để bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Việc chuyển giao tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này phải đuợc lập thành biên bản. Biên bản bàn giao tang vật, phương tiện phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng (chất lượng) tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bị tịch thu.

Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan tiếp nhận, xử lý tài sản và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện gồm: quyết định tịch thu sung quỹ nhà nước, các giấy tờ, tài liệu liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có) và các tài liệu khác có liên quan;

e) Đối với tang vật, phương tiện bị tịch thu mà không bán được thì thủ trưởng cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tịch thu quyết định thành lập Hội đồng để thanh lý tài sản trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Trung tâm bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá cấp huyện về việc tang vật, phương tiện bị tịch thu không bán được.

Thành phần của Hội đồng thanh lý tài sản bao gồm: lãnh đạo cơ quan ra quyết định tịch thu làm Chủ tịch Hội đồng; lãnh đạo cơ quan tài chính cùng cấp làm Phó Chủ tịch Hội đồng. Tuỳ theo tính chất, đặc điểm của tang vật, phương tiện thanh lý và tình hình thực tế tại địa phương, người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quyết định các thành viên là đại diện cơ quan Tư pháp, Quản lý thị trường, các cơ quan chuyên môn có liên quan tham gia Hội đồng.

Điều 36. Chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để bán đấu giá

1. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu để sung công quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh thì người đã ra quyết định tịch thu có trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện đó. Căn cứ vào giá trị tang vật, phương tiện được xác định theo quy định tại Điều 34 Nghị định này, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết định tịch thu, người đã quyết định tịch thu phải chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm để bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Pháp lệnh. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc hội đồng bán đấu  giá của cấp huyện không phụ thuộc vào giá trị của tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

2. Việc chuyển giao tang vật, phương tiện cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ: ngày, tháng, năm bàn giao; người bàn giao; người nhận; chữ ký của người giao, người nhận; số lượng, tình trạng tang vật, phương tiện bị tịch thu; trách nhiệm bảo quản tang vật, phương tiện bi tịch thu để bán đấu giá. Hồ sơ bàn giao tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá bao gồm: quyết định tịch thu tang vật, phương tiện; các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng hợp pháp (nếu có); văn bản định giá tang vật, phương tiện và biên bản bàn giao tang vật, phương tiện đó.

3. Trong trường hợp tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là hàng hoá cồng kềnh hoặc có số lượng lớn mà Trung tâm dịch vụ bán đấu giá cấp tỉnh hoặc Hội đồng bán đấu giá của cấp huyện không có nơi cất giữ thì sau khi thực hiện xong thủ tục chuyển giao có thể ký hợp đồng bảo quản tài sản với nơi đang giữ tang vật, phương tiện đó. Chi phí cho việc thực hiện hợp đồng được thanh toán từ số tiền bán đấu giá tang vật, phương tiện thu được sau khi bán đấu giá theo quy định tại khoản 1 Điều 37 Nghị định này.

4. Khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu đã được chuyển giao cho cơ quan có trách nhiệm bán đấu giá thì thủ tục bán đấu giá tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản.

Điều 37. Quản lý số tiền thu được từ bán đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính

1. Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ nhà nước phải được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính tại Kho bạc Nhà nước cùng cấp sau khi trừ các khoản chi phí cho vận chuyển, giao nhận, bảo quản và phí bán đấu giá theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm thanh toán các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ liên quan đến công tác xác minh, điều tra, mua tin, bắt giữ, cung cấp tin phát hiện, xử lý vi phạm, xử lý tài sản (phân loại, định giá) và các chi phí khác có liên quan đến quản lý xử lý tài sản. Số tiền còn lại được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 38. Ban hành mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử lý vi phạm hành chính

Các mẫu biên bản và quyết định để sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kèm theo các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước căn cứ vào các Điều 46, 47, 48, 49, 54, 55, 55a, 56, 61, 71, 78, 87, 96 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 39. Hiệu lực của Nghị định

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2009 và thay thế Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Điều 40. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trưng ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,

cơ quan thuộc Chính phủ;

- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;

- HĐND, UBND các tỉnh,

thành phố trực thuộc Trung ương;

- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH;

- Văn phòng Quốc hội;

- Tòa án nhân dân tối cao;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;

- BQL KKTCKQT Bờ Y;

- Ngân hàng Chính sách Xã hội;

- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- VPCP: BTCN, các PCN,

các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

- Lưu: Văn thư, TCCV (10 b). A.

TM. CHÍNH PHỦ

THỦ TƯỚNG

Đã ký

Nguyễn Tấn Dũng


Varied medicines approachable online to why to waste day and effort going to drugstore if you can at an easy rate purchase drugs sit at home. Today, pharmacy is the ideal method to order some drugs for various needs. What medicine does treat erectile dysfunction? Below are twelve defense tips about "Cialis daily 2.5mg". Of course there are also other vital questions. Sometimes, when folk talk about the question, they think "Cialis daily 5mg". Of all the things in the field of public heartiness that pique our attention most, it's erectile dysfunction, especially "Cheap Canada drugs Cialis Online>". Certain common medicaments can mean screwing with your erection. Stop using this remedy and get emergency help if you have sudden vision loss.

CÔNG TY CP XUẤT NHẬP KHẨU VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐỊA TRUNG HẢI

Địa chỉ: P411, khách sạn Việt Trung, số 103, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng
Tel: +84 31.3 262 489 - Fax: +84 31.3 262 488
Email: info@dthjsc.com     Website: http://www.dthjsc.com/