HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 06/2008/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI
CÔNG TY CỔ PHẦN XNK VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐỊA TRUNG HẢI

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 06/2008/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

BỘ CÔNG THƯƠNG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 15/2008/TT-BCT

Hà Nội, ngày 02 tháng 12 năm 2008


THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 06/2008/NĐ-CP NGÀY 16 THÁNG 01 NĂM 2008 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại;
Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;
Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 06), như sau:

I. ÁP DỤNG MỘT SỐ ĐIỀU KHOẢN XỬ PHẠT HÀNH CHÍNH

1. Hành vi vi phạm về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân quy định tại Điều 10 và Điều 11 Nghị định số 06

a) Hành vi kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 06 là kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh thường xuyên sử dụng 10 lao động trở lên mà không đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 4 Điều 170 Luật Doanh nghiệp năm 2005;

b) Các quy định xử phạt hành chính về Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân là tổ chức kinh tế quy định tại Điều 10 Nghị định số 06 cũng được áp dụng để xử phạt hành chính đối với vi phạm về Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của Chi nhánh, Văn phòng đại diện của thương nhân là tổ chức kinh tế tại các tỉnh, thành phố. Tổ chức kinh tế thuộc phạm vi áp dụng của Điều này theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định số 06;

c) Quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với các đối tượng là hộ kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh. Các trường hợp không phải đăng ký kinh doanh quy định tại khoản 2 Điều 36 Nghị định số 88 nói trên và khoản 1 Điều 3 Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh thì không xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 06.

2. Hành vi vi phạm về hàng hóa cấm kinh doanh quy định tại Điều 18 Nghị định số 06

a) Vi phạm hành chính bị xử phạt theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 06 gồm các hành vi kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh và các hành vi cố ý vận chuyển, chứa chấp, cất giấu, giao nhận hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với các đối tượng quy định tại khoản này mà không phải là người kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Nếu các đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định số 06 là người kinh doanh hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh (chủ hàng) thì xử phạt hành chính theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 18 Nghị định số 06, không xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 9 Điều 18 Nghị định số 06;

b) Hàng hóa cấm kinh doanh thuộc phạm vi áp dụng Điều 18 Nghị định số 06 là những hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh ban hành kèm Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại năm 2005 về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện;

c) Trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh nói trên có một số loại hàng hóa như các chất ma túy, vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, hóa chất độc, văn hóa phẩm đồi trụy Bộ Luật hình sự năm 1999 đã quy định xử lý bằng biện pháp hình sự, do vậy các trường hợp này phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan tố tụng hình sự có thẩm quyền để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002;

d) Các hành vi vi phạm về hàng hóa cấm kinh doanh khác (ngoài những hàng hóa nói trên) có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107). Mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107 được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về hàng hóa cấm kinh doanh có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định số 06. Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 18 của Nghị định số 06 thì xử phạt gấp hai lần mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định số 06. Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, hành vi vi phạm còn bị xử phạt theo các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 10 Điều 18 Nghị định số 06;

đ) Việc định giá hàng hóa cấm kinh doanh để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại khoản 8 Mục I Thông tư này.

3. Hành vi vi phạm về hàng hóa lưu thông trong nước bị áp dụng biện pháp khẩn cấp quy định tại Điều 19 Nghị định số 06

Chỉ áp dụng Điều 19 Nghị định số 06 để xử phạt hành chính đối với hàng hóa là nguồn gốc hoặc phương tiện lây truyền các loại dịch bệnh hoặc khi xảy ra tình trạng khẩn cấp do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố việc áp dụng các biện pháp thu hồi, cấm lưu thông, tạm ngừng lưu thông, lưu thông có điều kiện hoặc phải có giấy phép theo quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe nhân dân, pháp luật về thú y và pháp luật về kiểm dịch thực vật như quy định tại Điều 26 Luật Thương mại năm 2005.

4. Hành vi vi phạm về hàng hóa nhập lậu quy định tại Điều 22 Nghị định số 06

a) Hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 06 gồm hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu và các hành vi cố ý vận chuyển, chứa chấp, cất giấu, giao nhận hàng hóa nhập lậu. Quy định tại khoản 9 Điều 22 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với các đối tượng quy định tại khoản này mà không phải là người kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Nếu các đối tượng quy định tại khoản 9 Điều 22 Nghị định số 06 là người kinh doanh hàng hóa nhập lậu (chủ hàng) thì xử phạt hành chính theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 22 Nghị định số 06, không xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 9 Điều 22 Nghị định số 06;

b) Đối với hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh thì áp dụng Điều 18 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại khoản 2 Mục I Thông tư này để xử phạt hành chính;

c) Trường hợp lô hàng nhập lậu vừa có hàng hóa thông thường vừa có hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu thì chỉ xử phạt về một hành vi vi phạm, nhưng khi tính mức phạt tiền phải xác định riêng giá trị của số hàng hóa cấm nhập khẩu để xử phạt gấp hai lần theo quy định tại điểm a khoản 8 Điều 22 Nghị định số 06, sau đó cộng số tiền phạt hàng hóa nhập lậu thông thường với số tiền phạt hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu lại thành mức tiền phạt chung của hành vi vi phạm. Nếu đối tượng vi phạm hành chính là người trực tiếp thực hiện hành vi nhập lậu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu qua biên giới thì áp dụng quy định tại Điều 33 Nghị định số 06 để xử phạt hành chính;

d) Việc định giá hàng hóa nhập lậu để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại khoản 8 Mục I Thông tư này;

đ) Các hành vi vi phạm về hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên thì xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107. Mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107 được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền quy định tại khoản 7 Điều 22 Nghị định số 06. Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 22 Nghị định số 06 thì xử phạt gấp hai lần mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 7 Điều 22 Nghị định số 06. Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, hành vi vi phạm còn bị xử phạt theo các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 10 Điều 22 Nghị định số 06.

5. Hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa quy định tại Điều 23 Nghị định số 06

a) Hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 06 gồm các hành vi kinh doanh hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa. Mỗi hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 06. Trường hợp trên một hàng hóa hoặc lô hàng có những vi phạm về nhãn hàng hóa khác nhau thì mỗi vi phạm đều bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 23 Nghị định số 06;

b) Giá trị hàng hóa vi phạm quy định tại Điều 23 Nghị định số 06 là giá trị của hàng hóa vi phạm về nhãn. Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính có nhiều đơn vị hàng hóa có cùng vi phạm về nhãn hàng hóa thì giá trị hàng hóa vi phạm là giá trị của số hàng hóa có cùng vi phạm về nhãn hàng hóa;

c) Việc định giá hàng hóa vi phạm về nhãn để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại khoản 8 Mục I Thông tư này;

d) Các vi phạm về nhãn hàng hóa có giá trị từ trên 100.000.000 đồng trở lên thì xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 107. Mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 107 được áp dụng xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa có giá trị từ trên 100.000.000 đồng trở lên là các mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền quy định tại các điểm g khoản 1, điểm g khoản 2, điểm g khoản 3 và điểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định số 06. Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định số 06 thì xử phạt gấp hai lần các mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất nói trên. Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, hành vi vi phạm còn bị xử phạt theo các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 06;

đ) Đối với hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn hàng hóa mà không có nhãn hàng hóa thì áp dụng các khung phạt tiền quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm e, diểm g khoản 4 Điều 23 Nghị định số 06 để xử phạt hành chính như quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định số 107;

e) Khi xử phạt hành chính đối với các vi phạm về nhãn hàng hóa, ngoài hình thức phạt tiền người có thẩm quyền xử phạt phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 06 nhằm xử lý triệt để vi phạm, loại trừ nguyên nhân, điều kiện tái phạm, khắc phục mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra như quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 06.

6. Hành vi vi phạm về hàng giả và tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 06

a) Hành vi vi phạm hành chính bị xử phạt theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 06 là hành vi kinh doanh hàng giả và hành vi kinh doanh tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Hàng giả thuộc phạm vi áp dụng Điều 24 và Điều 25 Nghị định số 06 là những hàng hóa quy định tại khoản 8 Điều 3 của Nghị định số 06. Nếu là hàng giả chất lượng, công dụng và giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm a và điểm b khoản 8 Điều 3 Nghị định số 06 thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 06. Nếu là tem, nhãn bao bì hàng hóa giả quy định tại điểm d khoản 8 Điều 3 Nghị định số 06 thì xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 06. Nếu giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại điểm c khoản 8 Điều 3 Nghị định số 06 thì áp dụng các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả hoặc quyền liên quan, lĩnh vực bảo hộ giống cây trồng để xử phạt hành chính;

b) Đối với các hành vi vi phạm về hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên thì xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107. Mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 107 được áp dụng xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 06. Nếu hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 24 Nghị định số 06 thì xử phạt gấp hai lần mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền cao nhất quy định tại khoản 6 Điều 24 Nghị định số 06. Ngoài hình thức xử phạt chính bằng tiền, hành vi vi phạm còn bị xử phạt theo các hình thức xử phạt bổ sung và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 9 Điều 24 Nghị định số 06;

c) Việc định giá hàng giả để xác định khung tiền phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại khoản 8 Mục I Thông tư này.

7. Áp dụng khung phạt tiền gấp hai lần, ba lần và bốn lần quy định tại một số điều của Nghị định số 06

a) Chỉ áp dụng các khung phạt tiền gấp hai lần, ba lần hoặc bốn lần để xử phạt hành chính đối với những trường hợp quy định tại các khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 11, khoản 8 Điều 18, khoản 9 Điều 19, khoản 5 Điều 20, khoản 5 Điều 21, khoản 8 Điều 22, khoản 5 Điều 23, khoản 7 Điều 24, khoản 2 Điều 25, khoản 8 Điều 26, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 27, khoản 9 Điều 29, khoản 5 Điều 30 và khoản 5 Điều 45 Nghị định số 06. Khi áp dụng phải nhân số lần bị phạt tiền với mức tiền phạt tối thiểu, mức tiền phạt tối đa của khung phạt tiền được nhân lên để thành khung phạt tiền mới cao hơn;

b) Chỉ áp dụng một mức phạt tiền gấp hai lần đối với một trong các trường hợp xử phạt gấp hai lần quy định tại khoản 8 Điều 18, khoản 9 Điều 19, khoản 8 Điều 22, khoản 5 Điều 23, khoản 7 Điều 24, khoản 2 Điều 25, khoản 8 Điều 26 Nghị định số 06. Nếu hành vi vi phạm hành chính đồng thời thuộc cả hai trường hợp quy định xử phạt gấp hai lần thì cũng chỉ áp dụng một mức phạt tiền gấp hai lần;

c) Khi áp dụng khung phạt tiền gấp hai lần, ba lần hoặc bốn lần thì khung phạt tiền mới sẽ có mức tiền phạt tối đa cao hơn, nên trong các trường hợp này thẩm quyền xử phạt hành chính được xác định theo mức phạt tiền tối đa của khung phạt tiền mới.

8. Định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy định tại Điều 63 Nghị định số 06.

a) Chỉ áp dụng Điều 63 Nghị định số 06 đối với các vụ việc vi phạm có quy định mức phạt tiền theo giá trị hàng hóa vi phạm hoặc quy định hình thức xử phạt tịch thu hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm;

b) Người có trách nhiệm định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 63 Nghị định số 06 là thủ trưởng các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 58, Điều 59 và Điều 60 Nghị định số 06 đã phát hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc đang thụ lý xử lý vụ việc vi phạm hành chính. Đối với cơ quan Quản lý thị trường các cấp thì Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường thuộc Chi cục là người có trách nhiệm và thẩm quyền định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06;

c) Việc định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nên người có trách nhiệm định giá không nhất thiết phải là người có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với vụ việc vi phạm ở mức đó. Nếu Đội Quản lý thị trường trực tiếp kiểm tra phát hiện vụ việc vi phạm hành chính thì Đội trưởng Đội Quản lý thị trường có trách nhiệm tổ chức định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt đối với vụ việc đó. Sau khi tiến hành định giá, nếu thấy vụ việc không thuộc thẩm quyền xử phạt của cấp mình thì Đội trưởng Đội Quản lý thị trường phải chuyển hồ sơ vụ việc lên người có thẩm quyền xử phạt cấp trên theo quy định. Trường hợp người có thẩm quyền xử phạt cấp trên thụ lý xử lý vụ việc vi phạm hành chính do Đội Quản lý thị trường chuyển lên, nếu xét thấy việc định giá của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường chưa đúng thì yêu cầu Đội Quản lý thị trường tổ chức định giá lại hoặc trực tiếp tổ chức định giá lại theo thẩm quyền của cấp mình;

d) Tùy theo loại hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm và thực tế vụ việc kiểm tra xử lý mà áp dụng các căn cứ định giá theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06.

Việc định giá trước hết phải căn cứ vào giá niêm yết, nếu không có giá niêm yết thì căn cứ giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hàng hóa hoặc tờ khai nhập khẩu hàng hóa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 gồm cả tiền thuế các loại.

Trường hợp không có cả giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hàng hóa hoặc tờ khai nhập khẩu hàng hóa thì mới định giá theo giá thị trường tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06. Nếu định giá hàng hóa theo giá thị trường tại thời điểm nơi phát hiện vi phạm hành chính theo giá thị trường thì phải tiến hành việc khảo giá thị trường và lập biên bản về việc khảo giá đó.

Căn cứ định giá theo giá thành của hàng hóa quy định tại điểm c khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với trường hợp hàng hóa còn trong kho của nhà sản xuất, chưa xuất bán ra thị trường lần nào, nếu hàng hóa đó đã từng được xuất bán trước đó thì định giá theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06.

Căn cứ định giá quy định tại điểm d khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với hàng giả. Hàng hóa có cùng tính năng, kỹ thuật, công dụng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 là loại hàng hóa có thể thay thế trong tiêu dùng sử dụng và chỉ áp dụng trong trường hợp không có hàng thật để định giá.

Định giá theo giá trị thực tế còn lại của tang vật, phương tiện vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 chỉ áp dụng đối với việc định giá tang vật, phương tiện vi phạm và phải tiến hành giám định tang vật, phương tiện làm căn cứ cho việc định giá.

Trường hợp áp dụng các căn cứ định giá quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 và hướng dẫn tại Thông tư này không phù hợp hoặc hàng hóa, tang vật, phương tiện khó xác định giá trị thì thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm định giá thành lập hội đồng định giá;

đ) Người được pháp luật giao quyền định giá chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, công minh, khách quan của việc định giá do mình tiến hành. Việc hiệp thương, trao đổi, xin ý kiến của chuyên gia, cơ quan chuyên môn, thành lập hội đồng định giá do người được pháp luật giao trách nhiệm định giá quyết định, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm cuối cùng về việc định giá đó;

e) Định giá là thủ tục hành chính bắt buộc khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, vì vậy các căn cứ để định giá và các tài liệu liên quan đến việc định giá phải thể hiện trong hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính.

Trường hợp định giá hàng hóa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 thì giá trị hàng hóa và căn cứ định giá được ghi ngay vào các biên bản kiểm tra, biên bản khám, biên bản tạm giữ, biên bản vi phạm hành chính kèm theo các bản sao hợp đồng, hóa đơn mua bán, tờ khai nhập khẩu lưu trong hồ sơ vụ việc.

Trường hợp định giá hàng hóa theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 phải lập biên bản khảo giá hoặc xác định giá và lưu trong hồ sơ vụ việc.

Nếu định giá theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 63 Nghị định số 06 phải có văn bản giám định tang vật, phương tiện và biên bản định giá tang vật, phương tiện lưu trong hồ sơ vụ việc.

Trường hợp phải thành lập hội đồng định giá để tiến hành định giá hàng hóa, tang vật, phương tiện theo quy định tại khoản 4 Điều 63 Nghị định số 06 thì phải có quyết định thành lập hội đồng và biên bản định giá của hội đồng theo đúng thẩm quyền và thủ tục lưu trong hồ sơ vụ việc.

II. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo.

2. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 06 và hướng dẫn tại Thông tư này nếu có vướng mắc thì đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ảnh ngay với Bộ Công Thương để kịp thời giải đáp hướng dẫn./.

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng TW Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tố cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- HĐND, UBND các tỉnh,  thành phố trực thuộc TW;
- Các Sở Công Thương;
- Các đơn vị thuộc Bộ;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp VN;
- Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
- Công báo Văn phòng Chính phủ;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Lưu: VT, QLTT, PC.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

Varied medicines accessible online to why to waste day and effort going to drugstore if you can at an easy rate purchase drugs sit at home. Today, pharmacy is the ideal technique to order some drugs for various needs. What medicine does treat erectile dysfunction? Below are twelve defense tips about "Cialis daily 2.5mg". Of course there are also other vital questions. Sometimes, when people talk about the question, they think "Cialis daily 5mg". Of all the things in the field of public health that pique our attention most, it's erectile dysfunction, especially "Cheap Canada drugs Cialis Online>". Certain common medicaments can mean screwing with your hard-on. Stop using this remedy and get emergency help if you have sudden vision loss.

CÔNG TY CP XUẤT NHẬP KHẨU VÀ DỊCH VỤ THƯƠNG MẠI ĐỊA TRUNG HẢI

Địa chỉ: P411, khách sạn Việt Trung, số 103, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải Phòng
Tel: +84 31.3 262 489 - Fax: +84 31.3 262 488
Email: info@dthjsc.com     Website: http://www.dthjsc.com/